Thứ Ba, 6 tháng 8, 2013

Gà cùng một Mẹ



Trong những đức tính thiêng liêng của một người Mẹ, thì bao giờ cũng được nói đến đầu tiên đó là ĐỨC HY SINH.

Và điều cũng đặc biệt không kém là ĐỨC TÍNH đó luôn được gắn với hình ảnh của một GÀ MẸ đối với GÀ CON, tạo nên một cộng đồng gia đình NHÀ GÀ biết thương yêu và gắn bó với nhau hình thành nên cái thuật ngữ giản dị mà sâu sắc:

GÀ CÙNG MỘT MẸ CHỚ HOÀI ĐÁ NHAU

Tại sao, một con vật hay được mang ra tếu táo, ví von không lấy gì là khôn ngoan, chưa nói đến có phần còn ngu dốt, lại làm nên một TẤM GƯƠNG mà con người chúng ta phải học tập, noi theo.

Ngày bé, tôi ức nhất là bị ông anh con nhà Bác kém những 3 tuổi hẳn hoi, mà mỗi khi đấu khẩu với tôi không lại chỉ còn cách gọi tôi là Đồ Con Vịt, có lúc  lại là Đồ Gà Vịt.


Khi ngồi tán phét với mấy anh bạn ngoài quán nước chè, hay quán bia hơi, ai đó lại dạy khôn nhau : Mày Gà lắm, chúng nó khôn hơn nhiều, chúng vặt cho mày hết kiệt ngay, để anh chỉ cho cách đối phó.

Thế mà con vật khù khờ này lại có một phản xạ "nổi tiếng" đó là luôn che chở cho đàn con.

Ngày bé tôi rất hiếu động, còn nghịch ngơm thì khỏi phải nói, con trai cũng thua xa. Được cái là tôi rất yêu các con vật nuôi. Mùa hè, ba mẹ cho tôi về quê chơi với ông bà nội. Một trong những trò làm tôi rất thích thú đó là cho gà ăn và quan sát chúng ăn như thế nào?

Tôi luôn lén lấy gạo ở trong thùng của ông bà tôi tung cho đàn gà ăn. Tôi rất thích cái cảnh chúng nháo nhác lên, chạy nhẩy tung tăng khi những hạt gạo vùa được ném ra tung tóe. Khi đó, tôi quan sát kỹ và ấn tượng lắm với Gà mẹ. Thường Gà mẹ cứ mổ mổ, cái đầu gật lên, gật xuống làm chúng ta nghĩ nó cũng đang ăn cùng đàn con nhưng không phải vậy đâu. Gà mẹ giả vờ đấy! Nó không hề động đến hạt gạo nào khi lũ Gà con còn đói đang ăn lấy, ăn để. Nếu lũ gà con ăn no rồi, vẫn còn gạo trên sân thì Gà mẹ mới đi nhặt nhạnh nốt những gì con nó còn xót lại.

Những ký ức tuổi thơ đã ăn sâu vào trong suy nghĩ của tôi. Lúc nào tôi cũng thấy vui vui, ngồ ngồ với hình ảnh quây quần của đàn gà. Thú thật là tôi rất thích ăn thịt gà, thích nhất trong các loại thịt, mặc dù tôi rất trân trọng cái tình cảm tốt đẹp của con gà, nhưng việc tôi ăn thịt nó lại là chuyện khác với việc tôi rất "cảm phục" nó.

Lũ trẻ nghịch ngợm khi nhìn thấy gà con vàng óng, trông như chuối chín thì yêu lắm, thể nào cũng mon men để vồ lấy gà con mà chơi. Và lần nào cũng vậy, khi thấy lũ trẻ đến gàn, Gà mẹ lại lùa hết lũ gà con vào một góc, giang đôi cánh cho lũ con nép vào. Nếu có đứa trẻ nào trong số bọn tôi thò tay vào bắt gà con thì Gà mẹ mổ ngay cho một nhát mà kêu oai oái.

Cuộc sống mà cũng đơn giản như lũ gà thì tốt nhỉ. Sáng dậy kéo nhau ra sân, ra vườn đi kiếm ăn. cả ngày cũng chỉ làm một cái việc duy nhất là bới bới, móc móc  cũng chỉ để "kiếm cái ăn". Tối đến thì kéo nhau lên chuồng và đi ngủ. Sáng mai lại tiếp tục như thế!

Tại sao Gà mẹ lại luôn che chở cho đàn con? Có lẽ bởi tại cái ý thức trong suy nghĩ ở bộ não nằm trong đầu con gà rất rõ ràng. Nó đã trở thành bản năng, thành truyền thống của họ nhà gà. Tại sao cái sự phản kháng của một con vật yếu ớt lại đến cùng và mạnh mẽ như vậy? Chỉ có Mẹ gà mới có thể trả lời câu hỏi này.

Liệu có phải cái bản năng này tốt đẹp và mạnh mẽ nhường ấy có được là do Gà mẹ quá " khù khờ" hay không? Cũng khó để mà nói chính xác, nhưng đúng là nếu khôn ngoan và chỉ nghĩ cho bản thân thì Mẹ gà đã không bảo vệ đàn con bất chấp tất cả và đến cùng như thế! Vì sao ư?

Vì Mẹ gà bao giờ mà chẳng có cả một đàn con. Đối với Mẹ gà thì con nào chẳng là con, và con nào thì Mẹ gà cũng bảo vệ như vậy. Chắc do " hạn chế thiếu khôn ngoan" trong cách nghĩ của Mẹ gà, mà đôi khi Mẹ gà lại bị nhận hậu quả, bị biến thành vật phải làm thịt. Cứ ai động đến gà con là Mẹ gà lồng lên, không cần biết địch thủ có sức mạnh đến như thế nào. Thậm chí kể cả là con người - nguy cơ Gà mẹ bị cho vào nồi như chơi - Gà mẹ cũng không sợ.

Tóm lại Gà mẹ chẳng sợ ai, chẳng sợ gì cả. Vì trong suy nghĩ của loài Gà, Gà mẹ thấy việc bảo vệ các con là đương nhiên, kể cả việc chính đáng đó có thể làm cho Gà mẹ bị giết thịt.

Gà mẹ chỉ biết đến các con,  hy sinh hết mình vì các con. Từ tình cảm mẫu tử đó của Gà mẹ mà lũ gà con luôn biết ơn và trân trọng, lấy đó như là một tấm gương. Chúng không đi chơi xa, lúc nào cũng quang quẩn bên Gà mẹ. Lũ gà con cũng cảm kích về tấm lòng của Gà mẹ, nên thể hiện bằng cách rất yêu thương nhau và bảo vệ lẫn nhau.

Trở lại đời sống thường nhật của chúng ta. Sao con người với con người chẳng còn đối với nhau bằng tình, bằng nghĩa. Chẳng nói thì ai cũng biết xã hội bị  mai một đi như thế nào, đạo đức bị băng hoại như thế nào? Càng ngày chúng ta càng để mất đi những giá trị thiêng liêng của tình thương yêu, đoàn kết, gắn bó. Càng ngày càng bớt yêu thương nhau, nhưng càng ngày lại càng nhiều hơn sự tranh giành, cướp đoạt, đấu đá lẫn nhau để mà sinh tồn. Vì vậy mà nhiều lúc chúng ta nhìn đàn gà mà phát ngượng. Qua bao thời gian, không phụ thuộc vào các biến cố, thay đổi của cuộc sống, thì tình Mẫu tử của Gà mẹ với gà con và tình đoàn kết của một đàn gà vẫn không thay đổi.

Chỉ tại cái suy nghĩ của con người tinh ranh và khôn  ngoan hơn cả con gà, nên chúng ta chẳng dại gì mà đi làm một cái việc thiếu khôn ngoan như Gà mẹ. Gặp chuyện gì rắc rối thì cứ chấp nhận thí tốt 1 hoặc 2 gà con là yên ổn. Ôi, nếu Mẹ gà cũng vô trách nhiệm như vậy, thì làm gì có chuyện để mà nói nữa.

Thôi thì trong lúc chưa có ai đứng ra nhận trọng trách của một GÀ MẸ thì đàn con thường dân này chỉ biết tự khuyên răn nhau, như là một lời dạy dỗ nhẹ nhàng, một cách tự bảo vệ mình để mọi người thấy được cái trách nhiệm của bản thân đối với người khác và trách nhiệm của người khác đối với mình. Tất cả đều có đi, có lại và liên đới hệ quả đến nhau. Nhớ nhé:

GÀ CÙNG MỘT MẸ CHỚ HOÀI ĐÁ NHAU

Không có nhận xét nào: