Thứ Ba, 6 tháng 8, 2013

Người ơi người ở đừng về


Người ơi, hôm nay em viết cho Người mấy dòng thôi. Bởi vì em biết lần này là Người dứt khoát lắm, Người sẽ quyết tâm ra về.
Ra về để thể hiện Người xứng đáng với lựa chọn của mọi người. Người dám làm và dám chịu trách nhiệm.
Ra về để giữ lấy danh dự, uy tín của Người- điều mà gia đình và bản thân Người luôn đặt lên trên hết- chứ không phải như những thứ đồn thổi, thị phi, tung tin, bôi nhọ mà Người đang bị ghép vào một cách oan uổng.

Nhưng Người ơi! Người ở lại, đừng về!
Nước mắt em đang rơi và lòng em quặn thắt, em khóc vì xót thương Người biết bao nhiêu. Dù Người chẳng phải ruột thịt nhà em, em còn chưa một lần gặp gỡ Người ở ngoài đời. Em chỉ biết Người trên truyền hình, trên báo chí và đài phát thanh. Em cũng chẳng thể biết sự thật là Người tốt hay xấu, Người có lòng nhân ái hay thờ ơ, Người có khả năng thực sự hay chỉ là giả tạo, …Dù em chẳng biết nhiều về Người nhưng em biết Người rất quan trọng. Người là đại diện cho đội ngũ Lãnh đạo của nước nhà, đại diện cho lợi ích của nhân dân, trong đó có em là một công dân. Người cũng đứng trong hàng ngũ của Đảng ta. Em cũng ở trong hàng ngũ với Người, nên bảo vệ uy tín danh dự của Người chính là bảo vệ hình ảnh của đất nước, hình ảnh của Đảng là trách nhiệm của em.

Người ơi! Người ở, đừng về!

Em không có quyền phán xử, em cũng chẳng biết rõ tường tận để mà đánh giá, nhưng đứng trên lợi ích chung lớn nhất của dân tộc và tổ chức Đảng của chúng ta thì Người không được từ bỏ như thế!

Người có biết nếu bây giờ Người từ bỏ ra đi như một sự thể hiện lòng tự trọng và gương mẫu, thì những thứ gọi là BẤT CÔNG sẽ chẳng bao giờ thay đổi được hay không? Mà rõ ràng cái khó khăn nhất thì Đảng chúng ta đã nhìn thấy, đã chỉ ra, giờ chỉ còn thực hiện nữa thôi và chúng ta đang triển khai rồi.

Chúng ta phải làm thì mới có kết quả, phải đi thì mới đến đích được, vì vậy Người chỉ là nán lại một thời gian thôi để Người có đi hay ở thì ai cũng phải rõ ràng "tâm phục khẩu phục”. Lúc đó Người vẫn có thể ra về nếu Người muốn nhường cơ hội cho người khác và Người có thể bước đi bằng cách ngẩng cao đầu. Còn em thì có thể vẫy tay chào Người mà không rơi nước mắt như bây giờ.

Người về, sẽ làm cho mọi việc thành BẤT CÔNG.

BẤT CÔNG quá đi ấy chứ! Mặc dù đúng là Người cũng có một phần trách nhiệm liên quan, nhưng tại sao Người phải gánh cái “hình phạt” mà kẻ khác gây ra chứ không phải là Người.

Cái việc mà Người để cấp dưới vi phạm thì Người phải chịu trách nhiệm về buông lỏng quản lý thôi, còn kẻ vi phạm thì phải chịu sự trừng phạt do chính tội lỗi của họ gây ra chứ.  Nếu Người nhận trách nhiệm, chiu phạt thay cho họ thì bọn họ lại vẫn nhởn  nhơ và ngang nhiên tiếp tục vi phạm, tiếp tục đổ lỗi cho cái Người sau này sẽ thay thế vào cái ghế mà Người nhường lại để ra về.

Người là Người đứng đầu, nhưng Người có được toàn quyền quyết định đâu? Người còn chẳng có quyền lựa chọn cho mình những Người đứng thứ hai, thứ ba,…. và xung quang Người để giúp việc cho mình. Nếu chúng ta chỉ xử lý Người đứng đầu thì bao nhiêu Người đứng đầu sẽ  phải ra đi cũng không xuể và không lại được với kẻ phá hoại. Bởi vì việc gây rối, việc phá hoại và vi phạm pháp luật là mục đích kẻ xấu phải làm bằng được để tạo ra cái cớ để mà tiêu diệt Người đứng đầu.

Vậy thì sự ra đi của Người thật vô nghĩa. Và lòng tự trọng ở đây là thứ xa xỉ, vô duyên.

Người ơi! Người ở, đừng về!

Khi Người đã phải đi đến quyết định này thì người có đau không? Người đau rồi thì Người sẽ thấu hiểu nỗi đau của Người khác. Đến Người ở trên ngôi cao chức trọng mà còn phải chịu nỗi oan uổng của ‘ Thị Kính” thì cũng có khác gì đâu khi Người dân như em gặp nỗi oan “ Thị Mầu”.

Người ở trên cao, Người chẳng biết được mánh khóe, xảo trá của cấp dưới của Người nên tất cả tội lỗi do họ gây ra lại dồn hết về cho Người chịu trách nhiệm- tạo nên nỗi oan Thị Kính của chính Người.

Còn dân đen chúng em ở dưới thấp, nên cấp dưới của Người lại đổ hết vào chúng em cái trách nhiệm tội lỗi do họ gây ra để biến họ thành nỗi oan của Thị Màu.

Vậy cái con Người mà chúng ta phải xử lý ở đây chính là cấp dưới của Người- là những người trực tiếp phá hoại, trực tiếp vi phạm- chứ không phải Người và càng không phải dân chúng em.

Nếu không làm rõ sai phạm của họ thì chẳng  biết họ sai cái gì và thậm chí họ sẽ chẳng sai thì việc làm quân tử của Người có đáng lên án không? Họ cũng chẳng biết ơn và đánh giá cao đâu.

Nếu làm rõ ra, chỉ đích danh họ là thủ phạm ra thì họ sẽ bị xử lý chứ đâu có phải liên lụy đến Người. Chỉ có Người là biết rõ tất cả về họ, và chính Người đang phải gánh chịu hậu quả của họ, vậy Người hãy hành động đi.
Vậy thì Người ơi, Người ở đừng về!

Người đừng về, đừng từ chức người nghe!

Người về em buồn lắm, Người ơi! Có bao nhiêu cấp dưới vi phạm thì không bị xử lý mà lại nhằm vào Người, để biến Người thành vật tế thần. Coi đó như một hành động lấy lại niềm tin của nhân dân chúng em.

Nhưng làm như vậy thì dân chúng em càng mất niềm tin hơn vì tất cả sẽ chỉ là hình thức. Vì điều mà dân chúng em cần là một sư thay đổi của xã hội, của đất nước để mọi thứ được lập lại trật tự, được trở về nguyên bản chất tốt đẹp của cả dân tộc . Mà điều này nếu chỉ thực hiện bằng sư ra đi của Người và nhiều người khác thì mọi việc cũng sẽ chẳng có gì thay đổi.

Bởi vì cái nguyên nhân sâu xa, cái “nhóm lợi ích” và những kẻ phá hoại không bị xử lý mà vẫn còn nguyên thì mọi việc vẫn lại tiếp diễn như cũ. Và khi ấy, sẽ có nhiều nạn nhân phải ra đi như Người ngày hôm nay, và thậm chí có cả những nạn nhân hôm nay còn cười và tự hào vì không rơi vào kết cục giống của Người.

Vậy thì Người ơi, Người ở, đừng về!

Người đừng về, đừng từ chức người nghe!

Những sơ xuất, sai phạm của chính mình thì Người phải nhận ra và phải sửa sai. Người hãy tiếp thu, nghiêm túc điều chỉnh, rút kinh nghiệm và thay đổi ngay.

Nhưng sai phạm của người khác thì người phải làm rõ, phải chỉ ra để chấm dứt và không để tiếp diễn vi phạm.  Nhưng Người đừng hướng tới việc xử lý bằng bạo lực, bằng tù tội mà hãy hướng tới mục đích nhân đạo và khoan hồng, cho họ cơ hội làm lại cuộc đời. Những tài sản và tiền bạc từ việc làm phi pháp của họ mà có thì Người cứ cho tịch thu, truy thu, nộp lại cho bằng hết, nếu không sẽ xử lý thật nặng theo khung hình phạt, nhất là những kẻ ngoan cố và thách thức thì Người đứng có tha.

Người ơi, Người ở, đừng về!

Người dân chúng em chỉ mưu cầu cuộc sống hạnh phúc rất giản đơn. Chúng em chỉ mong sao xã hội được chuyển biến, đạọ đức và nhân cách phải được xây dựng làm nền tảng. Chúng em mong sao lãnh đạo luôn thương yêu nhau, vì dân mà gắn bó đoàn kết để lãnh đạo đất nước.

Người biết không dân mình tốt bụng và hiền lành lắm! Người hãy quan tâm và bảo vệ cho họ. Người chỉ cần đặt mình địa vị của họ thì sẽ thấy nhiều người dân còn khổ cực và tội nghiệp như thế nào?

Người đừng thấy nhiều người bị đi tù, tội phạm ngày càng tăng làm cho xã hội ảm đạm trong màu đen xám xịt. Tất cả đều có thể thay đổi nếu Người cố gắng. Vì bản thân những tội lỗi mà người dân phạm tội gây ra, nguyên nhân chính cũng là mục đích sinh tồn. Nếu người dân được quan tâm hơn, kinh tế xã hội phát triển, nhiều cơ hội công việc được tạo ra, người dân có việc làm, có thu nhập ổn định đời sống thì nhất định tội phạm sẽ giảm xuống.

Và vấn đề đạo đức, tình người phải là mục tiêu đầu tiên trên kế hoạch hành động của Người. Khi chúng ta sống với nhau bằng tình thương yêu, chúng ta có thể chia sẻ với nhau, sự đòi hỏi sẽ bớt đi, các vấn đề tiêu cực không có đất mà sinh sôi, kẻ xấu xa, phá hoại không còn chỗ để dung thân, tự khắc mọi việc sẽ tốt đẹp và trở lại quỹ đạo của nó.

Người ơi, Người ở,  đừng về!

Người ở lại để làm nốt những việc dở dang, cũng là cách ăn năn, sám hối và chuộc tội của Người với  đất nước, với nhân dân. Người phải ở lại để nhận ra cái sai của mình và sửa chữa nó. Vì chỉ có Người mới làm được và làm đươc ngay, người khác thì không biết lại chờ nắm bắt, tiếp cận đến bao giờ.

Người ở lại để sửa chữa khuyết điểm- đó mới chính là bản lĩnh đích thực của Người chiến sĩ cách mạng, dám chịu trach nhiệm, dám đương đầu với thử thách và chấp nhận hy sinh.

Một người chiến sĩ cách mạng, một người con của dân tộc Việt Nam không bao giờ thóai thác trách nhiệm khi Tổ quốc lâm nguy và nhân dân kêu gọi.

Người hãy thay thế những kẻ xấu xa, suy đồi đạo đức bằng những người hiền tài, trung nghĩa, có chính sách kêu gọi, khuyến khích, đãi ngộ để các nhân tài chung tay giúp đất nước và ra phò tá cho Người hoàn thành sứ mệnh của mình.

Người nhớ nhé! Thay thế, loại bỏ những kẻ mất hết lương tri, vô đạo đức chứ đừng thay nhầm những người tốt, những người luôn vì dân, vì nước.


Vâng, là thay bọn người xấu chứ không phải thay Người.

Đừng để xương máu, hy sinh của cha ông chúng ta trở thành vô nghĩa và chúng ta đời đời kiếp kiếp thấy có lỗi vì sự thiếu trách nhiệm của chúng ta ngày hôm nay đối với nhân dân.

Thay đổi ngay chính tư duy, nhận thức để mọi việc từ trên xuống dưới đảm bảo tính TRUNG THỰC. Loại trừ ngay những kẻ dối trá, lươn lẹo. Bởi vì Người, hay bất cứ ai, chúng ta chẳng thể làm được gì nếu như tất cả mọi điều đều là sự lừa dối.

Đã đến lúc người dân Việt Nam trở lại với những đức tính quý báu là truyền thống, là niềm tự hào  của dân tộc, trong đó đặc biệt là sự CHÂN CHẤT, THẬT THÀ, BAO DUNG, ĐỘ LƯỢNG, BIẾT THƯƠNG YÊU, ĐÙM BỌC LẪN NHAU…..

Để tất cả chúng ta, có Người và có chúng em, phải được sống trong một đất nước lấy chữ TÂM làm trọng và đề cao ĐẠO LÀM NGƯỜI.

Hôm nay, cũng nhờ có ĐẠO LÀM NGƯỜI  mà em không đành lòng để Người ra đi. Danh dự, uy tín của bản thân và truyền thống gia đình, niềm tự hào của Người Mẹ đã sinh ra Người sẽ không cho phép Người từ bỏ tất cả….như một sự thoái lui.

Bởi vì Người chỉ là số rất ít, mà ai cũng nhìn vào- Người là hình ảnh của đất nước Việt Nam- Người cũng là đại diện cho sự lựa chọn của nhân dân. Ai đó có thể nhầm, nhưng nhân dân không nhầm. Ai đó có thể đi nhưng không thể là Người và những Người được nhân dân lựa chọn.

Nhân dân chưa bao giờ mất niềm tin. Nhưng hãy khẳng định niềm tin đó với nhân dân bằng chính hành động của Người. MỘT SỰ KHẲNG ĐỊNH MẠNH MẼ, RÕ NÉT VÀ HIỆU QUẢ.

Người ơi, Người ở, đừng về!





MH viết ngày 12/3/2012
Bài dăng trên Blog TỎ MẶT ANH THƯ






Không có nhận xét nào: