Thứ Năm, 15 tháng 8, 2013

Về một kết luận thanh tra xuyên tạc của Thanh Tra Bộ Xây dựng

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
 

Hà Nội, ngày  25  tháng 6  năm  2012
                                Kính gửi:  Bà Nguyễn Thị Hồng Châu
                                      Trưởng đoàn Thanh tra theo QĐ số 95/QĐ-TTr

Ngày 25/6/2012, Q.Giám đốc Ban QLDA ĐTXD ĐHQGHN tại Hòa Lạc đã nhận được văn bản ngày 22/6/2012 kèm “Dự thảo Báo cáo kết quả thanh tra” ( đóng dấu mật) do Bà Trưởng đoàn Thanh tra theo QĐ số 95/QĐ-TTr ký gửi đề nghị Q Giám đốc xem xét có ý kiến bằng văn bản gửi về Thanh tra Bộ. Về việc này tôi có ý kiến như sau:
Theo quy định tại Điều 29 và Điều 30 Nghị định 86/2011/NĐ-CP ngày 22/9/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều thực hiện Luật Thanh tra thì Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm tổ chức xây dựng báo cáo kết quả thanh tra và tổ chức họp, lấy ý kiến của các thành viên trong Đoàn thanh tra. Trường hợp cần thiết, người ra quyết định thanh tra yêu cầu đối tượng thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra báo cáo, giải trình để làm rõ thêm nội dung thanh tra.
Như vậy, trước khi gửi lấy ý kiến của đối tượng thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra sẽ gửi Báo cáo kết quả thanh tra để Chánh Thanh tra xem xét, chỉ đạo và nếu thấy cần thiết thì Chánh Thanh tra yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo, giải trình để làm rõ thêm nội dung thanh tra. Theo nội dung văn bản của Bà Trưởng đoàn Thanh tra, tôi được hiểu việc lấy ý kiến của tôi là trên góc độ cá nhân góp ý cho Đoàn Thanh tra.
Tôi chính thức nhận bàn giao nhiệm vụ từ Giám đốc Nguyễn Thành Đăng vào ngày 5/12/2011. Trong thời gian chỉ đạo điều hành hoạt động của Ban QLDA, tôi thấy rằng Ban QLDA chỉ làm nhiệm vụ giúp việc cho chủ đầu tư là Bộ Xây dựng. Qua xem xét hồ sơ và tình hình thực tế tại đơn vị tôi xin có một số ý kiến về dự thảo Báo cáo kết quả thanh tra như sau:
1. Báo cáo kết quả thanh tra hành chính được quy định tại Điều 49 Luật Thanh tra số 56/2010/QH12 và tại Khoản 2 Điều này quy định như sau:
“2. Báo cáo kết quả thanh tra phải có các nội dung sau đây:
a) Kết luận cụ thể về từng nội dung đã tiến hành thanh tra;
b) Xác định rõ tính chất, mức độ vi phạm, nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật;
c) Ý kiến khác nhau giữa thành viên Đoàn thanh tra với Trưởng đoàn thanh tra về nội dung báo cáo kết quả thanh tra;
d) Biện pháp xử lý đã được áp dụng và kiến nghị biện pháp xử lý.”
Tuy nhiên Dự thảo Báo cáo kết quả thanh tra còn chưa đầy đủ nội dung quy định tại Điểm b và Điểm d. Đây là các nội dung rất quan trọng để giúp Bộ tìm rõ nguyên nhân, xử lý, giải quyết dứt điểm những vướng mắc, tồn tại để có thể thực hiện  được dự án.
2. Theo đề cương thanh tra và trong quá trình thanh tra, Ban QLDA đã cung cấp nhiều thông tin, nhiều hồ sơ, tài liệu có liên quan nhưng nhiều vấn đề chưa được phát hiện hoặc đã phát hiện được nhưng chưa được kết luận cụ thể trong Dự thảo báo cáo kết quả thanh tra.
3. Các nội dung công việc đã tiến hành thanh tra cần phân định rõ hai thời kỳ để làm rõ trách nhiệm của hai chủ đầu tư: giai đoạn do ĐHQGHN làm chủ đầu tư ( từ năm 1995- 2008); giai đoạn do Bộ Xây dựng làm chủ đầu tư ( từ năm 2009 đến nay); vì phần lớn các công việc được triển khai thực hiện kể từ khi Bộ Xây dựng làm chủ đầu tư đều kế thừa các công việc dở dang của ĐHQGHN trước đây.
4. Cần kiểm tra kỹ mức độ chính xác, đầy đủ của hồ sơ tài liệu được cung cấp cho Đoàn Thanh tra do những bất cập trong việc bàn giao hồ sơ giữa hai chủ đầu tư, công tác quản lý, lưu trữ hồ sơ tài liệu của Ban QLDA như Đòan Thanh tra đã kết luận tại Dự thảo báo cáo để ý kiến đánh giá, kết luận được chính xác.
Theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao, Ban QLDA chỉ lưu trữ các hồ sơ tài liệu thuộc các nhiệm vụ và công việc do Ban QLDA thực hiện. Các hồ sơ tài liệu trong  quá trình thụ lý các văn bản và ra quyết định của Bộ do các Vụ chức năng giúp Bộ thực hiện. Ban QLDA không được chuyển và lưu trữ những tài liệu này. Do vậy, Đoàn Thanh tra làm việc với các Vụ chức năng của Bộ nếu cần cung cấp thông tin, tài liệu.
5. Dự án ĐTXD ĐHQGHN tại Hòa Lạc được triển khai thực hiện đã nhiều năm, nhưng kết quả đạt được không tương xứng, gây lãng phí ngân sách và thời gian. Rất mong Đoàn Thanh tra theo chức năng, nhiệm vụ thanh tra đã được pháp luật quy định có Báo cáo kết quả thanh tra xác đáng, giúp Bộ Xây dựng thấy rõ các nguyên nhân tồn tại để có giải pháp, phương hướng xử lý dứt điểm, nhằm triển khai dự án đạt hiệu quả và đúng tiến độ, đáp ứng yêu cầu của Chính phủ và sự mong đợi của nhân dân.
Trên đây là một số ý kiến cá nhân của tôi góp ý với Đoàn Thanh tra. Đề nghị Trưởng Đoàn Thanh tra nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện và kịp thời báo cáo Chánh Thanh tra Xây dựng xem xét, chỉ đạo để sớm có kết luận thanh tra, giúp Ban QLDA ổn định tổ chức và tiến hành xử lý, thực hiện kết luận thanh tra, tiếp tục các nhiệm vụ triển khai thực hiện dự án hiệu quả./.


Nơi nhận:
- Như trên
- Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng ( để b/c)
- Các Thứ trưởng ( để b/c)
- Chánh Thanh tra BXD
- Lưu cá nhân
Q. GIÁM ĐỐC
Nguyễn Văn Dần
 Nghị định 86/2011/NĐ-CP ngày 22/9/2011
Điều 29. Báo cáo kết quả thanh tra hành chính
1. Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm tổ chức xây dựng báo cáo kết quả thanh tra. Báo cáo kết quả thanh tra phải có các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 49 của Luật Thanh tra.
2. Trưởng đoàn thanh tra tổ chức họp Đoàn thanh tra để thảo luận về dự thảo báo cáo kết quả thanh tra; trường hợp các thành viên Đoàn thanh tra có ý kiến khác nhau thì Trưởng đoàn thanh tra xem xét, quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Điều 30. Xây dựng kết luận thanh tra
1. Người ra quyết định thanh tra chỉ đạo Trưởng đoàn thanh tra dự thảo kết luận thanh tra. Trường hợp cần thiết, người ra quyết định thanh tra yêu cầu đối tượng thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra báo cáo, giải trình để làm rõ thêm nội dung thanh tra.
2. Trước khi kết luận chính thức, nếu xét thấy cần thiết thì người ra quyết định thanh tra gửi dự thảo kết luận thanh tra cho đối tượng thanh tra. Việc giải trình những vấn đề chưa nhất trí (nếu có) của đối tượng thanh tra với nội dung của dự thảo kết luận thanh tra được thực hiện bằng văn bản và có các bằng chứng kèm theo.
Điều 31. Kết luận thanh tra hành chính
1. Căn cứ báo cáo kết quả thanh tra, nội dung giải trình của đối tượng thanh tra (nếu có) và các tài liệu liên quan, người ra quyết định thanh tra chỉ đạo việc hoàn thiện và ký kết luận thanh tra. Kết luận thanh tra gồm các nội dung theo quy định tại khoản 2 Điều 50 của Luật Thanh tra.
2. Người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm tổ chức việc công bố kết luận thanh tra hoặc gửi kết luận thanh tra cho đối tượng thanh tra. Trường hợp cần thiết có thể ủy quyền cho Trưởng đoàn thanh tra công bố kết luận thanh tra. Việc công bố kết luận thanh tra được lập thành biên bản.
3. Kết luận thanh tra được gửi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định tại khoản 1 Điều 50 của Luật Thanh tra.
Điều 76. Xử lý hành vi vi phạm của người tiến hành thanh tra, công chức được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, thành viên khác của Đoàn thanh tra
Người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra, Thanh tra viên, công chức được giao thực hiện nhiệm vụ chuyên ngành, cộng tác viên thanh tra, thành viên khác của Đoàn thanh tra có một trong các hành vi sau đây thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật:
1. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn thanh tra để thực hiện hành vi trái pháp luật, sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho đối tượng thanh tra.
2. Thanh tra vượt quá thẩm quyền, phạm vi, nội dung trong quyết định thanh tra.
3. Cố ý kết luận sai sự thật, quyết định, xử lý trái pháp luật, bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật.
4. Tiết lộ thông tin, tài liệu về nội dung thanh tra trong quá trình thanh tra.
5. Cố ý không phát hiện hoặc phát hiện hành vi vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật, truy cứu trách nhiệm hình sự mà không xử lý, xử lý không đầy đủ, không kiến nghị việc xử lý.
6. Làm sai lệch, giả mạo, sửa chữa, tiêu hủy, chiếm đoạt hồ sơ thanh tra.
7. Nhận hối lộ, môi giới hối lộ.
8. Các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Luật Thanh tra só 56/2010/QH12 ngày 15/11/2010
Điều 49. Báo cáo kết quả thanh tra hành chính
1. Chậm nhất là 15 ngày, kể từ ngày kết thúc cuộc thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra phải có văn bản báo cáo kết quả thanh tra và gửi tới người ra quyết định thanh tra. Trường hợp người ra quyết định thanh tra là Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước thì báo cáo kết quả thanh tra còn phải được gửi cho Thủ trưởng cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp.
2. Báo cáo kết quả thanh tra phải có các nội dung sau đây:
a) Kết luận cụ thể về từng nội dung đã tiến hành thanh tra;
b) Xác định rõ tính chất, mức độ vi phạm, nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật;
c) Ý kiến khác nhau giữa thành viên Đoàn thanh tra với Trưởng đoàn thanh tra về nội dung báo cáo kết quả thanh tra;
d) Biện pháp xử lý đã được áp dụng và kiến nghị biện pháp xử lý.”
















Không có nhận xét nào: