Thứ Năm, 29 tháng 8, 2013

Hội nghị triển khai Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020

Nguồn tin:Nhân dân điện tử
Xem tại đây


Hội nghị triển khai Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020
Thứ năm, 24/01/2013 - 02:52 AM (GMT+7)
[+] Cỡ chữ: Mặc định    

Ngày 23-1, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Ðào tạo tổ chức Hội nghị triển khai Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020 và thực hiện kết luận số 51-KL/T.Ư của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành T.Ư Ðảng khóa XI.  Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân dự và phát biểu ý kiến.
Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020 nhấn mạnh đến đổi mới căn bản và toàn diện hệ thống đào tạo sư phạm về mô hình, chương trình, nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nhằm xây dựng đội ngũ giáo viên có chất lượng. Hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi vào năm 2015 và duy trì, phát triển giáo dục mầm non cho trẻ em dưới năm tuổi theo nhu cầu và khả năng của từng địa phương. Bên cạnh đó, chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới sẽ được xây dựng theo định hướng chú trọng phát triển năng lực học sinh, vừa bảo đảm tính thống nhất trong toàn quốc, vừa phù hợp  đặc thù mỗi địa phương. Tập trung vào việc tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ nghiên cứu và quản lý giáo dục bằng cách thay đổi chính sách tuyển dụng, đánh giá, chế độ đãi ngộ, khuyến khích sự cạnh tranh lành mạnh; thu hút các nhà khoa học, giảng viên giỏi trong và ngoài nước tham gia nghiên cứu khoa học và giảng dạy ở các trường ÐH. Tiếp tục đổi mới cơ chế tài chính giáo dục nhằm huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; đầu tư tập trung, không bình quân dàn trải, đầu tư đến đâu đạt chuẩn đến đó.
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, chiến lược đổi mới cơ chế phát triển nguồn nhân lực đất nước nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển nhân lực theo hướng CNH, HÐH đất nước, đưa Việt Nam hội nhập với khu vực và thế giới. Trong Chiến lược phát triển nguồn nhân lực chú trọng đến đổi mới tư duy, chính sách của các cơ quan, đoàn thể trong việc sử dụng nguồn nhân lực một cách hiệu quả. Vì vậy, mỗi một địa phương, bộ, ngành cần phải có chiến lược cụ thể về quy hoạch nguồn nhân lực.
Chiến lược phát triển nguồn nhân lực đến năm 2020 cũng nhấn mạnh về sự khác biệt trong sử dụng nguồn nhân lực của cơ quan hành chính Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ hướng tới đẩy mạnh trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập trong việc quản lý, sử dụng nguồn nhân lực. Phó Thủ tướng  cho rằng, ngành GD và ÐT có vai trò quan trọng trong việc giúp các địa phương, bộ, ngành, tổ chức, đơn vị khác sở hữu được nguồn nhân lực chất lượng cao.  Ðể phát triển nguồn nhân lực đạt hiệu quả, ngành GD và ÐT phải chỉ đạo các cơ sở giáo dục phải quen dần với áp lực cạnh tranh để đổi mới chất lượng giáo dục. Từng cán bộ, giáo viên cần đáp ứng được yêu cầu đổi mới về giáo dục trong xu thế thay đổi của đất nước và hội nhập với thế giới. Muốn đạt được mục tiêu này, các cơ sở giáo dục cấp dưới có thể đánh giá chất lượng hoạt động của cơ sở giáo dục cấp trên. Trong quá trình giảng dạy, trình độ của giáo viên phải được học sinh, sinh viên đánh giá theo phương thức bình chọn, nhận xét.
PV

Không có nhận xét nào: